Tin dự án

Du lịch Lạng Sơn: Phát triển đồng bộ để giữ chân du khách

21-02-2020

Lạng Sơn sở hữu "mỏ vàng" du lịch nhưng để khai thác được, cần phát triển đa dạng và đồng bộ hơn nữa các dịch vụ du lịch: lưu trú, trải nghiệm văn hóa bản địa,…

“Mỏ vàng” tiềm năng chờ khai phá

Du lịch Lạng Sơn đã có một năm 2018 thành công khi tổ chức các sự kiện phát triển du lịch như: Tuần văn hóa du lịch Lạng Sơn gắn với Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, Lễ hội hoa hội Quýt Bắc Sơn, Lễ hội Na Chi Lăng…bên cạnh việc đẩy mạnh du lịch sinh thái cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn.

Kết quả, năm 2018 tổng số khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 2,8 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017, doanh thu đạt gần 1000 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch tới Lạng Sơn cũng đạt trên 1.526.000 lượt, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khách quốc tế ước đạt 187.400 lượt, khách trong nước đạt 1.338.800 lượt. Tuy nhiên những con số này chưa thể hiện hết tiềm năng của Lạng Sơn, du lịch Lạng Sơn có thể làm được nhiều hơn thế.

Mùa vàng tại thung lũng Bắc Sơn – Lạng Sơn

Với hơn 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh cùng với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình tâm linh nổi tiếng như Tam Thanh, Kỳ Lừa, ải Chi Lăng, Nàng Tô Thị, chùa Tiên, đền Mẫu Đồng Đăng, thung lũng Bắc Sơn, làng văn hóa Quỳnh Sơn, khu du lịch Mẫu Sơn, hệ thống chợ Đông Kinh – Kỳ Lừa – Giếng Vuông… có thể nói, Lạng Sơn đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng đồ sộ. Nếu được đầu tư khai phá thích đáng, du lịch hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để có thể khai thác “mỏ vàng khổng lồ” này, thu hút du khách đến với Lạng Sơn nhiều hơn, ở lại lâu hơn và khiến khách chi tiêu nhiều hơn chứ không chỉ “đi chợ Lạng Sơn rồi về”?

Khai thác văn hóa bản địa, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn

Theo nghiên cứu của TS Trần Hữu Sơn trên Tạp chí Du lịch về nhu cầu khách quốc tế, 90% du khách thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người Dao, người Mông bản địa; 71% du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người Dao; 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động như dệt vải, chế biến ẩm thực, thuốc tắm…; 83% du khách muốn mua sản phẩm lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của các hộ gia đình. Điều này đủ cho thấy những giá trị văn hóa đặc sắc đang được đồng bào các dân tộc thiểu số lưu giữ có sức hấp dẫn thế nào đối với du khách, nhất là khách quốc tế.

Trầm bổng tiếng kèn Pí Lè của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn.

Là vùng đất của nhiều dân tộc vùng cao như Tày – Nùng – Dao – Sán Chỉ chung sống với các tập quán đặc sắc, phong tục chợ phiên, ẩm thực, trang phục độc đáo, giàu bản sắc, Lạng Sơn có thể tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo, vừa có thể bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, vừa có thể quảng bá rộng rãi nét đẹp truyền thống của các dân tộc tại Lạng Sơn tới cộng đồng trong nước và quốc tế.

Theo phân tích của Giám đốc điều hành phụ trách Ban Hỗ trợ và quan hệ các nước thành viên của UNWTO Zoltan Somongyi, không chỉ ở Việt Nam, loại hình du lịch trải nghiệm khám phá đời sống tinh thần, phong tục tập quán, di sản, tôn giáo… xuyên biên giới cũng đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch thế giới.

Kết hợp với các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm…chuỗi liên kết du lịch tại Lạng Sơn sẽ có sức hấp dẫn hơn rất nhiều, không chỉ thu hút, níu chân du khách ở lại Lạng Sơn lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn mà còn khiến du khách sớm quay trở lại hơn.

Cấp thiết đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưu trú

Theo thống kê của một đơn vị lữ hành, khách nội địa đến Lạng Sơn chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh; khách quốc tế chủ yếu đến từ Quảng Tây (Trung Quốc).

Dù lượng khách đổ về nhiều nhưng hầu hết du khách chỉ đi về trong ngày với mức chi tiêu rất khiêm tốn. Riêng ở khu du lịch sinh thái cộng đồng huyện Bắc Sơn, tuy phát triển nhưng du khách chủ yếu đi đường từ Thái Nguyên sang nghỉ dưỡng rồi quay về, bởi trung tâm thành phố Lạng Sơn chưa có “sức hút”, thiếu điểm vui chơi giải trí hấp dẫn và các điểm lưu trú chất lượng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh thu hút được khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 381 triệu USD, đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh, Lạng Sơn đang đầu tư nâng cấp, phát triển mạnh hệ thống cơ sở lưu trú, thiết kế thêm các điểm vui chơi giải trí nội thành và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ khách sạn.

Apec Diamond Park dự kiến cung cấp hơn 1600 căn hộ khách sạn và hơn 200 căn shophouse cao cấp cho Lạng Sơn.

Mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã cấp phép cho dự án Tổ hợp căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại cao cấp Apec Diamond Park với hơn 1600 căn hộ khách sạn và hơn 200 căn shophouse 5 sao nhằm bổ sung kịp thời các cơ sở lưu trú chất lượng cho thành phố, chuẩn bị sẵn sàng đón các đoàn khách quốc tế.

Đây cũng là tổ hợp lưu trú, nghỉ dưỡng có quy mô lớn đầu tiên tại Lạng Sơn được vận hành chuyên nghiệp bởi thương hiệu quản lý quốc tế Wynham Hotel Group. Việc đưa thương hiệu quốc tế vào quản lý, vận hành là bước tiến của Lạng Sơn nhằm thiết lập chuẩn mực mới cho ngành dịch vụ khách sạn xứ Lạng.

Với hơn 40 tiện ích đẳng cấp: phố ẩm thực, phố mua sắm, trung tâm thương mại, nhà hàng, bể bơi vô cực, phòng tập gym, yoga, phòng xông hơi Jim Jil Bang… Apec Diamond Park hứa hẹn là điểm vui chơi mới, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm, giải trí của du khách và cư dân thành phố.

Khai thác văn hóa bản địa, tạo ra chuỗi liên kết du lịch và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng du lịch, đáp ứng các dịch vụ cho du khách khi đến thăm xứ Lạng, mục tiêu thu hút 3,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 130 triệu USD năm 2020 và xa hơn là 381 triệu USD vào năm 2030 của Lạng Sơn là hoàn toàn có thể thực hiện được.